Campuchia làm kênh đào Funan Techo 1,7 tỷ đô và giải pháp 'thuận thiên' của Vinaseed, Sao Ta

Admin

"Nếu như Campuchia đào kênh Funan và khiến chúng ta thiếu nước ngọt cho sản xuất thì cũng không thể làm gì được, do đó, doanh nghiệp phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và thuận thiên."" - Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed nói.

DỰ ÁN KÊNH ĐÀO FUNAN TECHO SẼ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LƯỢNG NƯỚC ĐBSCL NHƯ THẾ NÀO?

Thời gian gần đây, thông tin về dự án kênh đào Funan Techo với vốn đầu tư 1,7 tỷ USD của Campuchia đang được dư luận quan tâm. Một số quan điểm cho rằng, dự án có thể sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy về sông Tiền, sông Hậu, đồng nghĩa với việc đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị mất đi một lượng nước nhất định.

photo-1715161743978

Minh họa vị trí tuyến giao thông thủy Funan Techo và vị trí 3 khóa âu (Ảnh: Vietnamnet)

Trên Báo Công Thương, Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp - cho rằng, về sơ bộ việc này không quá quan ngại, tuy nhiên cũng cần đợi những số liệu cụ thể để đánh giá.  

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện chúng ta đang lấy nước từ sông Tiền, sông Hậu để tưới cho khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên, hiệu quả rất cao. Mặt khác, trong mùa lũ, nước từ Campuchia rất nhiều và tràn qua Tứ giác Long Xuyên, một phần xuống Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, lưu lượng nước xuống Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới không thay đổi bao nhiêu và dự án kênh đào Funan Techo sẽ không gây thiệt hại lớn cho Việt Nam.

Một bài viết của TS. Tô Vân Trường trên Vietnamnet cho hay, ông đã xây dựng 1 kịch bản với 3 trường hợp, bao gồm cả những trường hợp bất lợi nhất vượt ra ngoài thông báo của phía Campuchia để đánh giá tác động của tuyến kênh đào Funan Techo. Theo đó, trong những trường hợp bất lợi nhất, dự án kênh đào Funan Techo sẽ có khả năng làm giảm lượng nước trên sông Hậu từ 5-13% trong mùa khô, từ 2-6% trong mùa mưa. Đồng thời khả năng lưu lượng nước trên sông Tiền sẽ bị giảm từ 2-4% trong mùa khô, từ 1-3% trong mùa mưa. 

Còn trong trường hợp Campuchia triển khai dự án và vận hành tuyến kênh theo thiết kế đã được thông báo cho Ủy hội sông Mekong quốc tế thì tác động của dự án đến ĐBSCL của Việt Nam là không đáng kể.

Phó thủ tướng Campuchia mới đây tuyên bố "Dự án này có tác động tối thiểu đến môi trường", cho biết lượng nước qua kênh Funan Techo là 5 mét khối mỗi giây, còn dòng chảy sông Mekong là 8.000 mét khối mỗi giây. "Lượng nước được chuyển hướng chỉ bằng một giọt nước trong xô".

CHUYỆN THUẬN THIÊN CỦA DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của CTCP Tập đoàn PAN (mã CK: PAN), bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - mã CK: NSC) - công ty thành viên của PAN Group nêu ý kiến, hiện tại cũng như sau này, Việt Nam là 1 trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra với mức độ ngày càng lớn và phức tạp.

"Nhưng biến đổi khí hậu là điều mà chúng ta không thể chống lại được. Nếu như Campuchia đào kênh Funan và khiến chúng ta thiếu nước ngọt cho sản xuất thì cũng không thể làm gì được, do đó, doanh nghiệp phải có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và thuận thiên." - Bà Liên nói.

Campuchia làm kênh đào Funan Techo 1,7 tỷ đô và giải pháp 'thuận thiên' của Vinaseed, Sao Ta- Ảnh 2.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed

Theo Chủ tịch Vinaseed, doanh nghiệp khổng thể chỉ nhìn vào khó khăn mà phải chủ đông xây dựng chiếc lược chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu. 

Bà Liên cho biết Vinaseed hiện có giống cây trồng chịu mặn, bộ giống thích ứng với ngập lụt, chịu hạn. Công ty sẽ đầu tư cho R&D để có giải pháp chủ lực và thuận thiên, thích ứng với các hiện tượng biến đổi khí hậu. Nông nghiệp bền vững sẽ luôn là trụ đỡ của nền kinh tế.

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã CK: FMC) chia sẻ, trong ngành thủy sản, có 2 nhánh là thủy sản nước mặt và thủy sản nước ngọt. Trong đó, thủy sản nước mặn có 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở ĐBSCL thì lúa, cây ăn trái và đại bộ phận khu dân cư bị tác động rất lớn. Giải pháp khi đó là thay đổi chế độ canh tác, bộ giống vật nuôi cây trồng… hoặc nhà nước có chính sách và giải pháp đầu tư để hạn chế xâm nhập mặn.

"Ao nuôi cá tra có xu thế chuyển dịch về thượng nguồn, còn tôm nuôi ở chỗ nước mặn. Xâm nhập mặn là cơ hội thuận lợi để mỏ rộng vùng nuôi tôm" - Ông Lực cho biết.

Chủ tịch Sao Ta cũng tiết lộ, công ty đã lần đầu tiên nuôi tôm mùa nghịch trên quy mô lớn 50ha. Kết quả tuy không như ý nhưng tốc độ khả quan đáp ứng kỳ vọng.

Dự án kênh đào Phù Nam – Techo có tổng chi phí ước tính 1,7 tỷ USD, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027, với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy này là 7 triệu tấn/năm.

Theo Thông báo, dự án dự kiến sẽ nâng cấp và cải tạo 180km tuyến kênh/sông, bao gồm: (i) Đoạn thứ nhất (chiều dài khoảng 20km) nối sông Mê Công với sông Bassac; (ii) Đoạn thứ 2 tiếp tục chạy dọc theo sông Bassac đến điểm kết nối với kênh giao thông thủy từ sông Bassac ra cảng Kẹp (chiều dài khoảng 30km); và (iii) Đoạn thứ ba dài 130km nối sông Bassac (tại điểm cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 20km) với cảng Kẹp của Campuchia.

Đồng thời, Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, Dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.