Cảnh báo căn bệnh phổ biến ở người Việt trẻ hiện nay

Admin

Đã có nhiều cảnh báo và nghiên cứu của các bác sĩ, càng ngày dấu hiệu suy giảm trí tuệ càng xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ tuổi.

Suy giảm trí nhớ đang ngày càng trẻ hóa

Điều lo ngại là trước đây số người mắc bệnh thường ở độ tuổi từ 60 thì nay 40% người có hội chứng sa sút trí tuệ dưới 50 tuổi.

Các bác sĩ cho biết, các đối tượng đến khám và điều trị bệnh lý suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ chủ yếu trên 70 tuổi thì nay có một tỷ lệ lớn, người bệnh từ 50 đến 60 tuổi khoảng 30-40%, những người ở độ tuổi này đã phát hiện có tình trạng sa sút trí tuệ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ, Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết: “Nhiều người cho rằng, cứ có tuổi, ai rồi cũng “lẫn” nên khi có các biểu hiện của suy giảm trí nhớ, không phải ai cũng đi khám ngay. Chỉ khi tình trạng trở nên trầm trọng, cùng với rối loạn nhận thức khác, bệnh nhân mới đi khám và sau đó phải cần hỗ trợ đến sự chăm sóc của con cái. Biến chứng, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ trong sinh hoạt rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể bỏng, ngã, gặp các chấn thương nguy hiểm. Chính vì vậy, những quan niệm, nhận thức về bệnh cần phải thay đổi!”.

Đã có nhiều cảnh báo, càng ngày, dấu hiệu suy giảm trí tuệ càng xuất hiện nhiều hơn ở lứa tuổi trẻ. Theo các bác sĩ, nhiều người tuổi từ 40-50 đã rơi vào suy giảm nhận thức do lạm dụng sức trẻ, thức quá khuya, sử dụng rượu bia, thuốc lá, làm việc quá mức không tập thể dục. Nhất là giấc ngủ rất quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm thoái hóa và đào thải, khi mất ngủ tế bào thần kinh hoạt động không hiệu quả, tăng sản phẩm thoái hóa.

“Khi các bác sĩ kiểm tra nhóm bệnh nhân trẻ thì thần kinh, nhận thức của họ đều cho kết quả bình thường. Do vậy, những bạn trẻ này sẽ được xếp vào nhóm suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức chủ quan”, bác sĩ Thanh Bình cho biết.

Vì vậy, với những bệnh nhân ở độ tuổi còn trẻ và trung niên này, người bệnh sẽ được điều trị song song bởi ba chân kiềng gồm: thay đổi lối sống, điều trị các yếu tố nguy cơ (kiểm soát cao huyết áp, tiểu đường) và điều trị bằng thuốc…

Khi bị suy giảm trí nhớ không những hoạt động cuộc sống bị ảnh hưởng mà nhận thức và tư duy giải quyết vấn đề cũng sẽ bị sa sút theo, năng suất làm việc hay kết quả học tập cũng từ đó mà đi xuống. Sau một thời gian, nếu không cải thiện sẽ có nguy cơ tiến triển thành sa sút trí tuệ.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: "Lão hóa hệ thần kinh có các dấu hiệu từ nhẹ đến nặng. Ban đầu có thể là lo âu, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, cảm thấy chán nản.

Lâu ngày tình trạng mất ngủ nặng, có thể dẫn tới hoang tưởng, hoặc sinh cảm giác tuyệt vọng, cảm thấy không có giá trị, bỏ bê công việc, gây tổn thương bản thân và những người xung quanh".

Nếu như với người già, nguyên nhân sa sút trí tuệ chủ yếu do lão hóa thì đối với người trẻ tuổi, các yếu tố như áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống, thiếu ngủ, chế độ ăn uống nhiều thức ăn nhanh, hay tiêu thụ quá mức chất kích thích, rượu bia, thuốc lá... chính là tác nhân góp phần tạo nên tình trạng giảm trí nhớ ở người trẻ.

Đời sống - Cảnh báo căn bệnh phổ biến ở người Việt trẻ hiện nay

Sa sút trí tuệ ở người trẻ ngày càng báo động. (Ảnh minh họa)

Khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ

Cho đến nay vấn đề chữa trị suy giảm trí nhớ vẫn còn nhiều hạn chế, rất khó khăn để có thể phục hồi trí nhớ cho người bệnh. Chính vì vậy, việc phòng tránh suy giảm trí nhớ vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Để tăng cường sức khỏe não bộ, bất kỳ ai cũng cần lưu ý:

Có thói quen sống lành mạnh:

Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya: Một giấc ngủ đầy đủ giúp cơ thể hồi phục sau một ngày dài, người trưởng thành nên ngủ từ 6-8 tiếng mỗi ngày để bộ não được nghỉ ngơi để có đủ sức khỏe cho ngày hôm sau.

Thường xuyên vận động, tập thể dục thể thao giúp khí huyết lưu thông tốt, giúp gia tăng thải trừ các chất độc tích tụ trong cơ thể để bộ não được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và oxy, đảm bảo cho các hoạt động của não.

Bổ sung đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, hạn chế chất kích thích, đặc biệt là cần tránh thực phẩm quá nhiều dầu mỡ; tăng cường lượng vitamin và khoáng chất cho cơ thể và não bộ từ ngũ cốc, các loại hạt, các loại rau xanh, trứng, thịt gà...; thực phẩm giàu canxi như hải sản, đậu nành, súp lơ, cá biển, hạnh nhân...

Tránh căng thẳng:

Lao động trí não thường xuyên, dưới những hình thức học tập như ngoại ngữ, âm nhạc... cũng là những hình thức rất tốt giúp não được hoạt động, làm chậm quá trình teo não.

Cuộc sống xã hội hiện đại có nhiều căng thẳng, điều này dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ, đặc biệt là người trẻ. Để cải thiện được hiện tượng này, chúng ta cần phải bảo vệ cơ thể tránh khỏi những căng thẳng lo âu trong cuộc sống, đồng thời bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để có một bộ não thật khỏe mạnh.