Trung tâm dữ liệu và AI của Trung Quốc 'uống' nước nhiều hơn cả dân số Hàn Quốc

Admin

Các trung tâm dữ liệu và AI ngày càng được mở rộng ở Trung Quốc có thể tiêu thụ lượng nước nhiều hơn nhu cầu của cả dân số Hàn Quốc.

Theo báo cáo mới của tổ chức nghiên cứu China Water Risk, trung tâm dữ liệu "khát nước" của Trung Quốc và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm tăng đáng kể nhu cầu về tài nguyên nước của quốc gia.

Trung tâm dữ liệu và AI của Trung Quốc 'uống' nước nhiều hơn cả dân số Hàn Quốc- Ảnh 1.

Các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nước trực tiếp để ngăn các thiết bị máy móc bị quá nhiệt. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

China Water Risk, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hong Kong, ước tính lượng nước tiêu thụ hàng năm của các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc vào khoảng 1,3 tỷ mét khối - đủ cho 26 triệu người sử dụng trong sinh hoạt. Đến năm 2030, con số này có thể lên tới hơn 3 tỷ mét khối do dự kiến sẽ có thêm nhiều cơ sở dữ liệu được mở ra, lớn hơn nhu cầu dùng nước của cả dân số Hàn Quốc.

Các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nước trực tiếp để ngăn các thiết bị máy móc bị quá nhiệt. Họ cũng tiêu thụ nước một cách gián tiếp từ việc sản xuất điện bằng than.

Nhóm nghiên cứu dự đoán vào cuối thập kỷ này, Trung Quốc sẽ có hơn 11 triệu giá đỡ trung tâm dữ liệu, nơi chứa các máy chủ, cáp và các thiết bị khác. Con số này gần gấp ba lần so với những gì họ có vào năm 2020 là khoảng 4 triệu giá đỡ.

Sự bùng nổ trong công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng được dự báo sẽ làm tăng thêm nhu cầu về nước của ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

"Cùng với sức mạnh tính toán khổng lồ, các chatbot AI tiêu thụ một lượng nước đáng kinh ngạc để làm mát", báo cáo viết.

Báo cáo dẫn chứng một nghiên cứu của Mỹ công bố năm ngoái, cho thấy mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3 tiêu thụ 500 ml nước cho mỗi 10 - 50 phản hồi mà nó tạo ra. Con số này gấp 20 lần so với so với mức cần thiết để thực hiện 50 lượt tìm kiếm trên Google.

Báo cáo của tổ chức tư vấn lưu ý rằng chatbot có lượng người dùng ngày càng tăng và các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bao gồm Baidu, Tencent và Alibaba đã ra mắt dịch vụ AI của riêng họ vào năm ngoái, làm tăng thêm tác động tiềm ẩn đến việc tiêu thụ nước.

Báo cáo chỉ ra rằng, nếu 100 triệu người dùng trò chuyện với ChatGPT, chatbot “sẽ tiêu thụ 50.000 mét khối nước - tương đương với 20 bể bơi tiêu chuẩn Olympic - trong khi lượng tìm kiếm tương đương trên Google chỉ tiêu thụ một bể bơi".

CT Low, đồng tác giả của báo cáo và Giám đốc rủi ro không gian địa lý tại China Water Risk, cho biết sự phát triển nhanh chóng của AI tổng hợp sẽ tạo thêm áp lực cho nguồn nước vốn đang là vấn đề đau đầu của chính phủ Trung Quốc.

"Gần một nửa số giá đỡ trung tâm dữ liệu của Trung Quốc nằm ở các khu vực khan hiếm nước, những nơi khô hạn chẳng khác gì khu vực Trung Đông", ông nói.

Bà Debra Tan, giám đốc China Water Risk, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết việc cải thiện hiệu quả năng lượng và nước với công nghệ hiện có là những giải pháp đơn giản để giải quyết các rủi ro về nước.

“Chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp và khu vực tài chính đánh giá các rủi ro về nước và khí hậu đang diễn biến nhanh chóng, đồng thời xây dựng các chiến lược khí hậu gắn kết để tồn tại”, bà Tan nói.

Bà nói thêm: "Đối với ngành công nghệ thông tin và truyền thông, thời điểm để giải quyết các rủi ro về nước là ngay bây giờ. Chúng ta phải giải quyết những vấn đề này trước sự bùng nổ của AI".

Cũng theo Giám đốc China Water Risk, các ông lớn công nghệ thông tin và truyền thông của Trung Quốc được khuyến khích đạt trạng thái "nước trung tính" (water neutral) hoặc "nước tích cực" (water positive). Đây cũng là những mục tiêu mà các đối tác của họ ở Thung lũng Silicon như Meta và Google đang theo đuổi.

Khái niệm "nước trung tính" nhằm để chỉ việc bù đắp tương đương với lượng nước đã sử dụng, trong khi "nước tích cực" là bù đắp nhiều hơn lượng nước đã dùng.

Các chiến lược nhằm giảm thiểu và bù đắp việc sử dụng nước bao gồm phục hồi lưu vực sông, nâng cao hiệu quả sử dụng nước tại các cơ sở hiện có, tái sử dụng nước thải, tận dụng nước mưa,...

Bà Tan cho biết thêm rằng chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các bước để quản lý sông ngòi một cách toàn diện, dự kiến sẽ áp dụng các quy định chặt chẽ hơn cũng như các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng nước cho lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.